Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

VỀ MỘT TẤM BĂNG – RÔN

(Một trong những tấm băng rôn được treo tại SG)
Lang thang trên mạng bắt gặp những bức hình chụp các băng rôn được treo trên dây điện cao chạy ngang trục lộ lớn ở TP.HCM. Chúng đều mang dòng chữ “CHÂN TƯỚNG PHÁP LUÂN CÔNG LÀ TỬ HUYỆT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC”

Rất ngạc nhiên bởi đây là tiếng Việt cho người Việt đọc nhưng… tôi thú thật là không hiểu gì. Thử mô hình hóa câu này thành công thức:


“Chân tướng của A là tử huyệt của B”

Sẵn máy tính nhờ Google tôi thử tìm hiểu hai từ tiếng Việt:

Chân tướng là bộ mặt thật, bản chất thật (thường xấu xa), vốn được che đậy.

Và sau đây là kết quả do Google cung cấp để làm ví dụ:

Chân tướng kẻ lừa tình
Lộ chân tướng hoa hậu Hàn quốc “chôm” tiền của bạn
Chân tướng một kẻ cuồng tín
Chân tướng kẻ chủ mưu cướp tiệm vàng
Chân tướng của người tình trùm giang hồ Dũng“ben”
Chân tướng của thầy lừa “siêu phép thuật”

Như vậy khi nói chân tướng A thì hiển nhiên A phải rất xấu xa, phải luôn luôn dùng sự giả dối, mờ ám che đậy bộ mặt thật của mình. Nhân vật A có bản chất không ra gì; nó tồn tại được là nhờ sự khuất tất. nếu ai đó nói vạch mặt chân tướng của A thì những ai có quan hệ với A đều phải từ chối, phủ nhận, thậm chí căm hận, phẫn uất. Ở đây lương tri, lương năng đã bị lừa lọc, phản bội. A là kẻ đạo đức giả, vì thế nó bị những người có đạo đức thật vạch mặt, chỉ tên và xa lánh.

Tôi đã gõ vào Google ba từ Pháp Luân Công và lựa chọn một đoạn văn giản dị như sau:

 “Pháp Luân công là môn khí công theo phương châm Chân Thiện Nhẫn, được thực hành trên 140 nước với trên 100 triệu người tập trên thế giới. Tuy nhiên, tại Trung Quốc môn này bị cấm và bị đàn áp mạnh tay”
Như vậy, “chân tướng” và “Pháp Luân Công” đã có mâu thuẫn. Khi đứng sau danh từ “chân tướng” thì làm Pháp Luân Công mang nghĩa xấu. Còn nếu như là môn pháp đề cao Chân Thiện Nhẫn thì nó quyết không thể đứng sau hai từ “chân tướng” trừ trường hợp muốn dẫn người đọc hiểu sai.

Bây giớ chúng ta tìm hiểu từ Hán Việt còn lại. “Tử huyệt” là huyệt nguy hiểm có thể làm chết người khi bị tác động.

Có thế liệt kê một số “tít” từ google:

Phanh và khí thải: tử huyệt của ô tô Việt
Hàng thủ: tử huyệt của đội tuyển Pháp
36 tử huyệt của con người

Khi nói “tử huyệt của B” thì ta có thể hiểu B có nhiều huyệt nguy hiểm và nó nằm trên B hay thuộc một phần của B. Nếu tác động đủ mạnh vào một trong những điểm huyệt ấy, B có thể chết. Người ta có 36 tử huyệt, vì thế có thể nói “Thần đình là một trong những tử huyệt của con người”

Câu băng rôn trên kia không xác định rõ ra A là một trong những tử huyệt của B, vô tình khiến cho người ta hiểu rằng B chỉ có một tử huyệt duy nhất mà thôi và chính là “chân tướng” Pháp Luân Công. Cũng nên nhớ rằng Pháp Luân Công không phải là một phần trên thân thể của Đảng công sản Trung Quốc. Vì vậy, về logic câu băng rôn trên là vô lý, vô nghĩa

Cũng cần lưu ý từ “là” ở đây tạo nên một so sánh luận lý, nó là định nghĩa thuyết phục người ta bằng lý trí. Khi cân bằng hai vế phương trình “Chân tướng Pháp Luân Công = [là] tử huyệt của ĐCSTQ” thì lý trí trở nên hoang mang, bất lực, không thể hiểu ý đồ của người viết định nói gì.

Đến đây, có thể tạm diễn đạt lại câu băng rôn “CHÂN TƯỚNG PHÁP LUÂN CÔNG LÀ TỬ HUYỆT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC” cho thuần Việt như sau: Pháp Luân Công “càng bị vạch trần bao nhiêu” thì Đảng cộng sản Trung Quốc càng dễ chết bấy nhiêu!?

Vô nghĩa, tối nghĩa, rối nghĩa. Tôi cố lựa chọn một trong các từ đó để nói về câu băng rôn trên nhưng cứ phân vân khi nhìn các dòng chữ kỳ lạ như thách đố trình độ tiếng Việt của mình.

BĐQ: Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Chân Tâm, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy văn học.


Chân Tâm
Nguồn: THÔNG TIN PHÁP LUÂN CÔNG VIỆT NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét